In phần này
20
Giải quyết các vấn đề luật trong vòng đấu; Xử lý luật bởi trọng tài và Hội đồng
Mục đích của luật: Luật 20 quy định việc người chơi nên làm gì khi có câu hỏi về luật trong một vòng đấu, bao gồm các quy trình (khác nhau trong đấu đối kháng và đấu gậy) cho phép người chơi khi bảo vệ quyền lợi được xử lý luật ở một thời điểm sau đó. Luật này cũng quy định vai trò của trọng tài, là người được phép quyết định các tình huống thực tế và áp dụng luật. Các quyết định xử lý luật của trọng tài hoặc Hội đồng có tính ràng buộc đối với tất cả người chơi.
20
Giải quyết các vấn đề luật trong vòng đấu; Xử lý luật bởi trọng tài và Hội đồng
20.1

Giải quyết các vấn đề luật trong vòng đấu

20.1a

Người chơi phải tránh làm trì hoãn một cách vô lý

Người chơi không được làm trì hoãn cuộc chơi một cách vô lý khi đang tìm sự hỗ trợ luật trong vòng đấu:
  • Nếu trọng tài hoặc Hội đồng không có mặt kịp thời để hỗ trợ một vấn đề luật, người chơi phải quyết định làm gì và phải chơi tiếp.
  • Người chơi có thể bảo vệ quyền lợi của họ bằng cách yêu cầu xử lý luật trong đấu đối kháng (xem Luật 20.1b(2)) hoặc đánh hai bóng trong đấu gậy (xem Luật 20.1c(3)).
20.1b

Các vấn đề luật trong đấu đối kháng

(1) Quyết định vấn đề luật bằng cách đồng thuận. Trong vòng đấu, các người chơi trong một trận đấu có thể đồng ý với nhau cách quyết định một vấn đề luật:
  • Kết quả được đồng ý với nhau đó là cuối cùng, cho dù sau đó được phát hiện là sai luật, miễn là các người chơi không thỏa thuận với nhau để phớt lờ bất kỳ luật hoặc hình phạt nào mà họ biết có áp dụng (xem Luật 1.3b(1)).
  • Tuy nhiên, nếu một trọng tài được phân công đi theo một trận đấu, trọng tài đó phải xử lý tất cả các tình huống luật mà họ biết một cách kịp thời (xem Luật 20.1b(2)) và người chơi phải tuân thủ cách xử lý đó.
Khi không có trọng tài, nếu người chơi không đồng ý hoặc có nghi ngờ về cách áp dụng luật, mỗi người chơi có thể yêu cầu xử lý luật theo Luật 20.1b(2). (2) Yêu cầu xử lý luật trước khi kết quả của trận đấu là cuối cùng. Khi người chơi muốn trọng tài hoặc Hội đồng quyết định cách áp dụng luật cho tình huống của họ hoặc của đối thủ, người chơi có thể yêu cầu xử lý luật. Nếu trọng tài hoặc Hội đồng không có mặt kịp thời, người chơi có thể thực hiện yêu cầu đó bằng cách thông báo cho đối thủ rằng họ sẽ yêu cầu xử lý luật ở thời điểm sau đó, khi có mặt trọng tài hoặc Hội đồng. Nếu người chơi yêu cầu xử lý luật trước khi kết quả của trận đấu là cuối cùng:
  • Tình huống sẽ chỉ được xử lý khi có yêu cầu đúng hạn, phụ thuộc vào thời điểm người chơi biết các dữ kiện của tình huống đó:
    • Khi người chơi biết về tình huống trước khi bất kỳ người chơi nào bắt đầu hố cuối cùng của trận đấu. Khi người chơi biết về tình huống, yêu cầu xử lý luật phải được thực hiện trước khi bất kỳ người chơi nào thực hiện cú đánh để bắt đầu một hố khác.
    • Khi người chơi biết về tình huống trong hoặc sau khi kết thúc hố cuối cùng của trận đấu. Yêu cầu xử lý luật phải được thực hiện trước khi kết quả của trận đấu là cuối cùng (xem Luật 3.2a(5)).
  • Nếu người chơi không yêu cầu xử lý luật đúng hạn, trọng tài hoặc Hội đồng sẽ không xử lý tình huống đó và kết quả của hố (hoặc các hố) được yêu cầu giải quyết sẽ được giữ nguyên cho dù nếu luật đã được áp dụng không đúng.
Nếu người chơi yêu cầu xử lý tình huống luật của một hố trước đó, việc xử lý chỉ được thực hiện khi đáp ứng cả ba điều sau:
  • Đối thủ vi phạm Luật 3.2d(1) (báo sai số gậy đã đánh) hoặc Luật 3.2d(2) (không báo cho người chơi về hình phạt),
  • Yêu cầu xử lý được dựa vào các dữ kiện mà người chơi không biết trước khi bất kỳ người chơi nào thực hiện cú đánh để bắt đầu hố đang chơi, hoặc nếu đang giữa hai hố, ở hố vừa hoàn thành, và
  • Sau khi biết các dữ kiện này, người chơi có yêu cầu xử lý luật đúng hạn (như quy định ở phần trên).
(3) Yêu cầu xử lý luật sau khi kết quả của trận đấu là cuối cùng. Khi người chơi yêu cầu xử lý luật sau khi kết quả trận đấu là cuối cùng:
  • Hội đồng sẽ chỉ xử lý cho người chơi khi cả hai điều sau được đáp ứng:
    • Yêu cầu xử lý được dựa vào các dữ kiện mà người chơi không biết trước khi kết quả của trận đấu là cuối cùng, và
    • Đối thủ vi phạm Luật 3.2d(1) (báo sai số gậy đã đánh) hoặc Luật 3.2d(2) (không báo cho người chơi về hình phạt) và đã biết về vi phạm đó trước khi kết quả của trận đấu là cuối cùng.
  • Không có giới hạn về mặt thời gian khi xử lý tình huống như thế này.
(4) Không có quyền chơi hai bóng. Người chơi khi không chắc chắn về cách xử lý đúng trong trận đấu không được chơi hai bóng. Quy trình này chỉ được áp dụng trong đấu gậy (xem Luật 20.1c).
20.1c

Các vấn đề luật trong đấu gậy

(1) Không có quyền quyết định vấn đề luật bằng cách đồng thuận. Nếu trọng tài hoặc Hội đồng không có mặt kịp thời để hỗ trợ một vấn đề luật:
  • Các người chơi được khuyến khích hỗ trợ nhau cách áp dụng luật, tuy nhiên họ không có quyền quyết định một vấn đề luật bằng cách đồng thuận, và việc đồng thuận như thế không có tính ràng buộc với người chơi, trọng tài hoặc Hội đồng.
  • Người chơi nên nêu vấn đề luật với Hội đồng trước khi nộp bảng điểm của họ.
(2) Người chơi nên bảo vệ người chơi khác trong giải đấu. Để bảo vệ quyền lợi của tất cả người chơi khác:
  • Nếu người chơi biết hoặc tin rằng một người chơi khác đã vi phạm hoặc có thể đã vi phạm luật mà người chơi đó không nhận ra hoặc đang phớt lờ, người chơi nên báo cho người chơi đó, người ghi điểm của người chơi đó, trọng tài hoặc Hội đồng.
  • Nên thực hiện việc này ngay sau khi người chơi biết về vấn đề, và không trễ hơn trước khi người chơi kia nộp bảng điểm của họ, trừ trường hợp bất khả thi.
Nếu người chơi không làm như trên, Hội đồng có thể truất quyền thi đấu người chơi theo Luật 1.2a nếu Hội đồng quyết định rằng đã có vi phạm nghiêm trọng trong ứng xử, trái ngược với tinh thần thể thao. (3) Chơi hai bóng khi không chắc chắn phải làm gì. Khi không chắc chắn về quy trình đúng trong khi chơi, người chơi có thể hoàn thành hố với hai bóng mà không bị phạt:
  • Người chơi phải quyết định chơi hai bóng sau khi phát sinh tình huống không chắc chắn và trước khi thực hiện cú đánh.
  • Người chơi nên chọn bóng sẽ được tính điểm nếu luật cho phép đánh bóng đó, bằng cách tuyên bố chọn lựa đó với người ghi điểm của họ hoặc với một người chơi khác trước khi thực hiện cú đánh.
  • Nếu người chơi không chọn kịp thời, bóng được đánh đầu tiên sẽ được xem là bóng được chọn.
  • Người chơi phải báo sự việc này cho Hội đồng trước khi nộp bảng điểm, cho dù kết quả của hai bóng là như nhau. Người chơi sẽ bị truất quyền thi đấu nếu không làm thế.
  • Nếu người chơi đã thực hiện cú đánh trước khi quyết định chơi bóng thứ hai:
    • Luật này không được áp dụng và kết quả được tính sẽ là kết quả với bóng mà người chơi đã đánh trước khi quyết định đánh bóng thứ hai.
    • Tuy nhiên, người chơi không bị phạt do đánh bóng thứ hai.
Bóng thứ hai được đánh theo luật này không phải là bóng dự phòng theo Luật 18.3. (4) Quyết định của Hội đồng về kết quả của hố. Khi người chơi đánh hai bóng theo (3), Hội đồng sẽ quyết định kết quả của người chơi ở hố đó như sau:
  • Tính điểm của bóng được chọn (bởi người chơi hoặc bởi mặc định) nếu bóng này được đánh đúng luật.
  • Nếu bóng này được đánh không đúng luật, tính điểm của bóng còn lại nếu bóng đó được đánh đúng luật.
  • Nếu cả hai bóng đều được đánh sai luật, tính điểm của bóng được chọn (bởi người chơi hoặc bởi mặc định) trừ khi có vi phạm nghiêm trọng do đánh bóng đó sai vị trí, trong trường hợp đó sẽ tính điểm của bóng còn lại.
  • Nếu có vi phạm nghiêm trọng do đánh sai vị trí của cả hai bóng, người chơi sẽ bị truất quyền thi đấu.
  • Tất cả các cú đánh với bóng không được tính điểm (gồm các cú đánh và gậy phạt chỉ từ việc đánh bóng đó) không được tính vào kết quả hố của người chơi.
“Bóng đánh đúng luật” nghĩa là: (a) bóng gốc được đánh từ nơi nó nằm mà được phép đánh từ đó, hoặc (b) bóng được đánh đã được đưa vào trong cuộc đúng quy trình, đúng cách và đúng vị trí theo luật.
20.2

Xử lý các vấn đề theo luật

20.2a

Xử lý luật bởi trọng tài

Trọng tài là người được chỉ định bởi Hội đồng để quyết định các tình huống thực tế và áp dụng luật. Trọng tài có thể nhờ Hội đồng hỗ trợ trước khi đưa ra cách xử lý tình huống. Quyết định xử lý tình huống hoặc cách áp dụng luật của trọng tài phải được người chơi tuân thủ. Người chơi không có quyền khiếu nại quyết định xử lý của trọng tài lên Hội đồng, nhưng sau khi đã có quyết định xử lý, trọng tài có thể:
  • Tham khảo ý kiến từ một trọng tài khác, hoặc
  • Đưa tình huống lên cho Hội đồng xem xét,
tuy nhiên, trọng tài không bắt buộc phải làm việc này (tham khảo ý kiến khác hoặc hỏi Hội đồng). Quyết định của trọng tài là cuối cùng, do đó nếu trọng tài cho phép người chơi vi phạm luật do nhầm lẫn, người chơi sẽ không bị phạt. Đối với việc chỉnh sửa quyết định xử lý sai của trọng tài hoặc Hội đồng, xem Luật 20.2d.
20.2b

Xử lý luật bởi Hội đồng

Khi không có trọng tài để xử lý luật hoặc khi trọng tài đưa vấn đề lên cho Hội đồng xem xét:
  • Vấn đề sẽ được xử lý bởi Hội đồng, và
  • Quyết định của Hội đồng là cuối cùng.
Nếu Hội đồng không thể đưa ra quyết định, Hội đồng có thể đưa vấn đề đó lên Hội đồng Luật Golf của R&A, nơi quyết định là cuối cùng.
20.2c

Áp dụng tiêu chuẩn “mắt thường” khi sử dụng bằng chứng phim ảnh

Khi Hội đồng đang xác định các dữ kiện thực tế để đưa ra quyết định xử lý luật, việc sử dụng phim ảnh làm bằng chứng sẽ bị giới hạn bởi tiêu chuẩn “mắt thường”:
  • Nếu thông tin thể hiện qua phim ảnh đã không thể nhìn thấy được bằng mắt thường, sẽ bỏ qua bằng chứng phim ảnh đó cho dù nó chỉ ra là có vi phạm luật.
  • Tuy nhiên, ngay cả khi bằng chứng phim ảnh bị bỏ qua theo tiêu chuẩn “mắt thường”, lỗi vẫn sẽ được tính nếu người chơi đã biết về các dữ kiện cấu thành vi phạm (như khi người chơi có cảm giác rằng gậy đã chạm cát trong bẫy cát cho dù việc đó không thể nhìn thấy được bằng mắt thường).
20.2d

Quyết định xử lý sai và lỗi hành chính

(1) Quyết định xử lý sai. Quyết định xử lý sai xảy ra khi trọng tài hoặc Hội đồng đã áp dụng Luật một cách không chính xác. Ví dụ của quyết định xử lý sai là:
  • Áp dụng hình phạt sai hoặc không áp dụng hình phạt,
  • Áp dụng luật không đúng hoặc không tồn tại, và
  • Minh giải luật không chính xác và do đó áp dụng nó không chính xác.
Nếu một quyết định xử lý của trọng tài hoặc Hội đồng sau đó được phát hiện là sai, quyết định đó sẽ được sửa nếu có thể. Nếu đã quá trễ, quyết định sai sẽ được giữ nguyên. Nếu người chơi có hành động vi phạm luật do hiểu sai một cách hợp lý một hướng dẫn của trọng tài hoặc Hội đồng trong vòng đấu hoặc khi cuộc chơi bị dừng theo Luật 5.7a (như là nhấc bóng trong cuộc khi không được phép theo luật), sẽ không bị phạt và hướng dẫn đó sẽ được xem như là một quyết định xử lý sai. Xem Quy chế Hội đồng, Phần 6C (Hội đồng nên làm gì khi có quyết định xử lý sai). (2) Lỗi hành chính. Lỗi hành chính là lỗi liên quan đến việc quản lý giải đấu và không có giới hạn về mặt thời gian để sửa lỗi này, cho dù sau khi kết quả trận đấu đối kháng là cuối cùng hoặc giải đấu gậy đã kết thúc. Lỗi hành chính khác với quyết định xử lý sai. Ví dụ của lỗi hành chính là:
  • Tính nhầm các kết quả hòa trong đấu gậy,
  • Tính nhầm điểm chấp dẫn đến kết quả (người thắng cuộc) không chính xác, và
  • Trao giải nhầm người sau khi không thông báo điểm số của người thắng cuộc.
Trong các tình huống này, phải sửa lỗi và kết quả giải đấu phải được thay đổi tương ứng.
20.2e

Truất quyền thi đấu người chơi sau khi kết quả trận đấu hoặc giải đấu là cuối cùng

(1) Đấu đối kháng. Không có giới hạn về mặt thời gian trong việc truất quyền thi đấu của người chơi theo Luật 1.2 (vi phạm nghiêm trọng trong ứng xử) hoặc Luật 1.3b(1) (cố tình không áp dụng hình phạt đã biết, hoặc thỏa thuận với người chơi khác để phớt lờ bất kỳ luật hoặc hình phạt nào mà họ biết có áp dụng). Có thể làm việc này sau khi kết quả trận đấu là cuối cùng (xem Luật 3.2a(5)). Đối với việc khi nào Hội đồng sẽ xử lý tình huống luật khi có yêu cầu sau khi kết quả của trận đấu là cuối cùng, xem Luật 20.1b(3). (2) Đấu gậy. Hình phạt thường sẽ không được cộng vào hoặc chỉnh sửa sau khi giải đấu gậy đã kết thúc, là khi:
  • Kết quả là cuối cùng theo cách được quy định bởi Hội đồng, hoặc
  • Trong giải đấu đối kháng diễn ra ngay sau vòng đấu loại theo thể thức đấu gậy, khi người chơi đã phát bóng bắt đầu trận đấu đối kháng đầu tiên của họ.
Tuy nhiên, người chơi phải bị truất quyền thi đấu ngay cả khi giải đấu đã kết thúc nếu họ:
  • Nộp bảng điểm có điểm số của bất kỳ hố nào thấp hơn thực tế. Tuy nhiên, người chơi sẽ không bị truất quyền thi đấu nếu điểm số thấp hơn đó là do việc không cộng gậy phạt mà người chơi không biết trước khi kết thúc giải (xem Luật 3.3b(3)),
  • Trước khi giải đấu kết thúc, biết rằng đã vi phạm một luật khác có hình phạt truất quyền thi đấu, hoặc
  • Đồng ý với người chơi khác để phớt lờ bất kỳ luật hoặc hình phạt nào mà họ biết có áp dụng (xem Luật 1.3b(1)).
Hội đồng còn có thể truất quyền thi đấu của người chơi theo Luật 1.2 (vi phạm nghiêm trọng trong ứng xử) sau khi giải đấu đã kết thúc.
20.2f

Người chơi không hợp lệ

Không có giới hạn về mặt thời gian trong việc sửa kết quả của giải đấu khi một người chơi ở giải đó được phát hiện không hợp lệ so với yêu cầu của Điều lệ thi đấu. Điều này đúng cho dù sau khi kết quả trận đấu đối kháng là cuối cùng hoặc sau khi giải đấu gậy đã kết thúc. Trong trường hợp này, người chơi được xem như đã chưa từng tham gia giải đấu đó, thay vì bị truất quyền thi đấu, và kết quả giải sẽ được chỉnh sửa tương ứng.
20.3

Các tình huống không được quy định bởi luật

Các tình huống không được quy định bởi luật nên được xử lý bởi Hội đồng:
  • Sau khi xem xét tất cả thông tin, và
  • Một cách hợp lý, công bằng và nhất quán với các tình huống tương tự theo luật.
XEM THÊM
Luật 1Môn thể thao golf, cách ứng xử của người chơi và luật golf
Mục đích của luật: Luật 1 giới thiệu cho người chơi các nguyên tắc chính của môn golf như sau: Sân thế nào thì chơi thế đó và bóng nằm thế nào thì ...
Đọc thêm